Cẩm nang trực tuyến

Từ khi triển khai cung cấp DVCTT ứng dụng chữ ký số tại Tổng cục Thuế đến nay, lĩnh vực thuế đã có rất nhiều cải thiện và đạt được những hiệu quả đáng kể.

Hàng năm, Ngân hàng Thế giới đưa ra xếp hạng về chỉ số đánh giá căn cứ trên các tiêu chí như: số giờ nộp thuế; số lần nộp thuế trong năm; tổng mức thuế suất trên lợi nhuận; chỉ số sau kê khai (hoàn thuế giá trị gia tăng, thanh/kiểm tra thuế thu nhập doanh nghiệp).

Theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2020 của Ngân hàng Thế giới công bố vào tháng 10/2019, kết quả xếp hạng Chỉ số nộp thuế chung của Việt Nam năm 2019 tăng 11 bậc từ vị trí thứ 131 lên xếp thứ 109 trên tổng số 190 quốc gia được đánh giá.

Thực hiện kế hoạch triển khai mở rộng hệ thống dịch vụ thuế điện tử (eTax), năm 2019, Tổng cục Thuế đã đưa hệ thống eTax đi vào hoạt động chính thức tại 45 tỉnh, thành phố. Từ ngày 25/11/2019, chính thức triển khai cho 19 tỉnh, thành phố còn lại thay thế hệ thống khai thuế, nộp thuế điện tử (iHTKK, NTĐT). Đây là ứng dụng mới, tích hợp hệ thống iHTKK và NTĐT và được bổ sung nhiều chức năng mới tạo thuận tiện cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

  • Hệ thống khai thuế điện tử

Số lượng doanh nghiệp (không bao gồm các doanh nghiệp là chi nhánh, trực thuộc) sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử cụ thể: tính đến 31/12/2019 có 756.792 doanh nghiệp trên tổng số 757.533 doanh nghiệp hoạt động, đạt 99,90%. Như vậy số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng đã tăng 45.188 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018.

  • Nộp thuế qua mạng

Tính đến 31/12/2019, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 755.755 doanh nghiệp trên tổng số 757.533 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 99,77%, tăng 70.753 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2018.

 

bảng Số lượng tổ chức, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công
của Tổng cục Thuế giai đoạn 2012 - 2019

- Hóa đơn điện tử

Trong thời gian qua, việc triển khai hóa đơn điện tử tại Việt Nam được thực hiện theo lộ trình và có sự chuẩn bị trong thời gian dài:

+ Năm 2010, hóa đơn điện tử được quy định là một trong hình thức hóa đơn hợp pháp.

+ Năm 2015, hóa đơn điện tử được áp dụng thí điểm tại một số doanh nghiệp ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1209/QĐ-BTC.

+ Năm 2018, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định các doanh nghiệp áp dụng khi cơ quan thuế có thông báo cơ sở thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử.

+ Năm 2019, Thông tư số 68/2019/TT-BTC quy định các doanh nghiệp phải thực hiện đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử từ ngày 01/11/2020.

Tổng cục Thuế cùng các Chi cục Thuế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc sử dụng hóa đơn điện tử thông qua các công tác như tập huấn, hướng dẫn chính sách về quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, tăng cường tuyên truyền cho các doanh nghiệp nhằm nâng cao nhận thức về ưu điểm, hiệu quả của hóa đơn điện tử, bên cạnh việc cũng ban hành các văn bản chỉ đạo đến các chi cục thuế quận, huyện để triển khai đồng bộ, thống nhất.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thuế, số lượng doanh nghiệp xuất hóa đơn điện tử có mã xác thực trên hệ thống tính đến ngày 31/12/2019 đạt 255 doanh nghiệp.

 

Cung cấp DVCTT là một trong những công việc quan trọng đã và đang được ngành hải quan triển khai thực hiện trong nhiều năm qua.

Tính đến 31/12/2019, số lượng chứng thư số chuyên dùng đang hoạt động trong Tổng cục Hải quan đạt 3.317 chứng thư số, trong đó có 46 chứng thư số dành cho cơ quan, tổ chức và 3.271 chứng thư số dành cho công chức, viên chức và người lao động.

Năm 2019, Tổng cục Hải quan cung cấp 192 dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số để xác thực và 174 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ứng dụng chữ ký số để xác thực, trong đó có các dịch vụ như hệ thống VNACCS/VCIS, cổng thông tin một cửa quốc gia, cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu và cổng thông tin điện tử Hải quan.

Số lượng doanh nghiệp sử dụng DVCTT ứng dụng chữ ký số tính đến thời điểm 31/12/2019, so sánh với giai đoạn từ năm 2016 trở về trước được thể hiện trong bảng 14:

Bảng Số lượng doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến
của Tổng cục Hải quan giai đoạn 2015 - 2019.

 

  • Hệ thống VNACCS/VCIS: có 222.184 doanh nghiệp tham gia
  • Hệ thống NSW: 188 thủ tục hành chính đã được triển khai và 22 thủ tục thực hiện kết nối để chuẩn bị triển khai chính thức.

Số lượng doanh nghiệp đăng ký tài khoản để khai báo trên Cổng thông tin một cửa quốc gia trong năm 2019 đạt 8.853, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia đạt 34.989 doanh nghiệp.

Ứng dụng chữ ký đảm bảo an toàn, bảo mật và tính pháp lý cho các giao dịch điện tử, giảm thiểu thời gian thông quan hàng hóa, các chi phí phát sinh khi làm thủ tục xuất nhập khẩu, doanh nghiệp không cần tiếp xúc nhiều với các cơ quan nhà nước.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg ngày 09/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, DVCTT ứng dụng chữ ký số của ngành bảo hiểm xã hội đã có những phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Tính đến 31/12/2019, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp 10 dịch vụ công trực tuyến có ứng dụng chữ ký số dành cho doanh nghiệp, trong đó có 5 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 sử dụng chữ ký số để xác thực, cụ thể: giải quyết chế độ ốm đau; giải quyết hưởng chế độ thai sản, giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khoẻ sau ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; đăng ký, điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế; cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế.

Số lượng chứng thư số chuyên dùng sử dụng trong hệ thống bảo hiểm xã hội tính đến 31/12/2019 là 4.942 chứng thư số, tăng 1.765 chứng thư số so với thời điểm 31/12/2018. Trong đó có 1.016 chứng thư số của cơ quan, tổ chức và 3.926 chứng thư số của công chức, viên chức, người lao động.

Bảng số lượng doanh nghiệp ứng dụng dịch vụ bảo hiểm xã hội
trong giai đoạn 2015 - 2019

Trong năm 2019, số giao dịch thành công sử dụng dịch vụ công trực tuyến của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đạt 61.754.353 giao dịch.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số đã hỗ trợ cơ quan tổ chức thực hiện giao dịch hồ sơ bảo hiểm xã hội với cơ quan bảo hiểm được thuận tiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giao dịch cũng như hỗ trợ các đơn vị tham gia tra cứu, khai thác một số dữ liệu do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp.

Tính đến 31/3/2019, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã cung cấp 133 dịch vụ công trực tuyến ứng dụng chữ ký số để xác thực trong đó có 13 dịch vụ công mức độ 4.

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang sử dụng chữ ký số trong các hệ thống như: hệ thống giám sát giao dịch chứng khoán; phần mềm quản lý báo cáo thống kê nội bộ; hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư; hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý công ty chứng khoán; hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống công bố thông tin. Các hệ thống phần mềm thu thập báo cáo đều yêu cầu người dùng là tổ chức/doanh nghiệp sử dụng chữ ký số để gửi báo cáo và công bố thông tin.

Việc ứng dụng chữ ký số trong các dịch vụ công trực tuyến đảm bảo tính xác thực của hồ sơ do các tổ chức gửi lên hệ thống, công tác lưu trữ hồ sơ, dữ liệu khoa học hiệu quả, nhanh chóng trong công tác tra cứu dữ liệu.

Tiếp tục theo lộ trình đặt ra, năm 2019, hệ thống KBNN đã liên tục hiệu chỉnh và mở rộng tài nguyên hệ thống DVCTT; triển khai tích hợp, cung cấp DVCTT trên cổng dịch vụ công quốc gia. Đồng thời nghiên cứu xây dựng, nâng cấp hệ thống DVCTT và các chương trình ứng dụng liên quan phục vụ cho triển khai quy trình kiểm soát chi của KBNN cấp tỉnh.

Tính đến 31/12/2019, tổng số chứng thư số đang hoạt động tại Kho bạc Nhà nước các cấp là 5.946, trong đó 76 chứng thư số cấp cho đơn vị, 5.870 chứng thư số cấp cho cán bộ, công chức, viên chức.

Việc ứng dụng chữ ký số trong dịch vụ công của Kho bạc Nhà nước ngoài những ưu điểm tiết kiệm về thời gian chi phí, còn giảm thiểu được việc giả mạo chữ ký, giả mạo con dấu của đơn vị; thông tin thanh toán nhanh chóng và bảo mật; minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát, tình trạng xử lý các hồ sơ kiểm soát chi qua báo cáo thống kê trên DVCTT, tăng trách nhiệm của cán bộ, công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Một trong những hiệu quả của ứng dụng dịch vụ công trực tuyến là hỗ trợ quản lý, tạo lập cơ sở dữ liệu về các đối tượng áp dụng.

Theo số liệu thống kê của Kho bạc Nhà nước, năm 2019 tổng số đơn vị sử dụng ngân sách đã sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 55.709 đơn vị, số hồ sơ thực hiện trong năm 2019 thành công đạt 3.674.105 hồ sơ.

Năm 2019, sau 03 năm triển khai chính thức, đấu thầu qua mạng đã từng bước khẳng định vai trò trong đảm bảo các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Các dịch vụ công liên quan đến hoạt động đấu thầu sử dụng chữ ký số công cộng và chữ ký số chuyên dùng do Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và cấp.

Theo số liệu của Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp, số lượng người sử dụng trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cụ thể như sau;

Kết quả ứng dụng chữ ký số trên hệ thống đấu thầu quốc gia trong 2019 cụ thể như sau:

- Lựa chọn nhà thầu:

+ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu: 154.143;

+ Thông báo mời thầu: 122.814;

+ Thông báo mời sơ tuyển/mời quan tâm: 137;

+ Thông báo mời gia hạn/đính chính: 7.524;

+ Danh sách ngắn: 877;

+ Kết quả sơ tuyển: 77;

+ Kết quả mở thầu điện tử: 38.291;

+ Kết quả lựa chọn nhà thầu: 30.699.

- Lựa chọn nhà thầu đầu tư:

+ Công bố danh mục dự án: 520;

+ Thông báo mời sơ tuyển/mời quan tâm: 237;

+ Kế hoạch lựa chọn nhà thầu: 301;

+ Thông báo mời thầu: 117;

+ Kết quả lựa chọn nhà đầu tư: 239;

+ Kết quả sơ tuyển: 180.

Việc ứng dụng chữ ký số vào hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đảm bảo các giao dịch chính xác, toàn vẹn dữ liệu. Đấu thầu qua mạng góp phần nâng cao hiệu quả

của công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tiết kiệm thời gian, chi phí, giảm thủ tục hành chính.