Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được tiếp thu, bổ sung và rà soát kỹ lưỡng

Ngày đăng: 07:46 - 31/05/2023

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, sáng 30/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường xem xét về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên họp Quốc Hội ngày 30/5

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường.

Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4; tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH; tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật, nhất là những nội dung còn có ý kiến khác nhau.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật gồm 7 chương 54 điều trong đó đã sửa đổi, bổ sung về nội dung tại 36 điều; sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật tại 5 điều; bố cục lại 1 chương, bỏ 3 điều và bổ sung 2 điều.

Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, đa số ý kiến cho rằng việc ban hành dự thảo Luật là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, định hướng xây dựng pháp luật của Quốc hội khóa XV.

Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (9 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.

Đồng thời, đã chỉ đạo rà soát cẩn trọng, toàn diện để hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở khi thực hiện giao dịch điện tử.

Có ý kiến đề nghị nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm xây dựng luật của các nước phát triển và một số nước tương đồng với Việt Nam để giải trình phạm vi điều chỉnh cho phù hợp.

Đối với vấn đề trên, UBTVQH nhận thấy tờ trình của Chính phủ, báo cáo rà soát pháp luật và các điều ước quốc tế, báo cáo kinh nghiệm quốc tế đã trình bày chi tiết kinh nghiệm của các nước phát triển và một số nước tương đồng với Việt Nam về phạm vi điều chỉnh. Các nghiên cứu này đã được thể hiện và đề xuất quy định trong dự thảo Luật.Cũng tại phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận vấn đề chữ ký số chuyên dùng công vụ, tài khoản định danh điện tử, vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật cho chữ ký số…

Về ý kiến làm rõ vai trò quản lý nhà nước của cơ quan thuộc Chính phủ tại khoản 4 Điều 7 dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội, UBTVQH nhận thấy cơ quan thuộc Chính phủ vẫn được giao thực hiện một số trách nhiệm liên quan đến quản lý nhà nước tại một số luật chuyên ngành.

Trách nhiệm của cơ quan Nhà nước nói chung, trách nhiệm của cơ quan thuộc Chính phủ nói riêng đã được quy định tại Chương V về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước (từ Điều 42 đến Điều 47). Do đó, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, đề nghị Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7 (dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4).

Về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước (Chương V), có ý kiến cho rằng cần bổ sung quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, các hoạt động của cơ quan Nhà nước trên môi trường điện tử, các chính sách hỗ trợ giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước.

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình giao dịch điện tử, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy giao dịch điện tử.

Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử (Chương VI), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của các cơ quan Nhà nước có liên quan.

UBTVQH thấy rằng các ý kiến ĐBQH là xác đáng. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH và  để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng. Theo đó, chủ quản hệ thống thông tin có trách nhiệm giám sát hệ thống của mình, cơ quan Nhà nước quản lý công tác báo cáo, tổng hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý nhà nước về giao dịch điện tử bằng phương tiện điện tử.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, ngoài các vấn đề trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và lô gíc hơn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng và sôi nổi; cần nghiên cứu kỹ nữa để hoàn thiện dự án luật như phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, trách nhiệm quản lý nhà nước về chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến các vị tham gia để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.

(NEAC tổng hợp)