Chữ ký số đang ngày càng phổ biến trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thúc đẩy việc sử dụng chữ ký số trong các hoạt động giao dịch được xem là yếu tố quan trọng nhằm xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Trong thế giới siêu kết nối, chữ ký số (CKS) ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ và phát triển vượt bậc ở các dịch vụ công cộng. Từ nhiều năm trước, các nước châu Âu đã rất tích cực trong việc áp dụng CKS trong chính phủ điện tử. Trong khi các quốc gia có nền công nghệ thông tin (CNTT) phát triển nhanh chóng ở châu Á cũng bắt đầu áp dụng CKS cho chính phủ điện tử, điển hình như Hàn Quốc.
Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, CKS cũng ngày càng có vai trò quan trọng đối với hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp (DN) và cá nhân. CKS được ứng dụng đa dạng trong hoạt động kinh doanh, hoạt động giao dịch hành chính công vụ, mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và là một trong những nền tảng để hình thành một xã hội số phát triển.
Theo ông Larry Lee, chuyên gia sản phẩm của Netrust, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực CKS tư nhân duy nhất tại Singapore, nhu cầu sử dụng CKS ngày càng gia tăng tại châu Á với nhiều triển vọng tương lai.
"Đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh đáng kể sự chuyển dịch sang số hóa khi làm việc từ xa trở thành chuẩn mực mới và việc ký tài liệu theo phương thức truyền thống trên giấy gặp khó khăn. Sự chuyển dịch này đã dẫn đến nhu cầu về các giao dịch trực tuyến an toàn và các sáng kiến về chính phủ điện tử gia tăng đáng kể. Các quốc gia như Singapore đã đi đầu trong việc thúc đẩy CKS như một phần trong các sáng kiến quốc gia thông minh của họ. Tuy nhiên, hành trình này không phải là không có thách thức", ông Lee nhấn mạnh.
Những thách thức cản trở việc sử dụng chữ ký số
Đại diện Netrust lưu ý rằng các rào cản về văn hóa và quy định pháp lý đã làm chậm quá trình áp dụng CKS tại châu Á. Nhiều khu vực thiếu cơ sở hạ tầng và khuôn khổ pháp lý cần thiết để hỗ trợ CKS, gây ra những lo ngại cho các DN và cá nhân. Bất chấp những rào cản này, những quốc gia đi tiên phong đã nhận ra lợi ích của CKS trong việc hợp lý hóa quy trình, đảm bảo tính xác thực và bảo mật cao cho các giao dịch trực tuyến.
Cụ thể, theo ông Lee, một trở ngại lớn là thói quen ký tay vẫn được người dân và DN trên khắp khu vực này sử dụng phổ biến. Nhiều người đã quen với các phương pháp ký tài liệu truyền thống, bao gồm chữ ký vật lý và gửi tài liệu qua đường bưu điện, nên ngại thay đổi. Mặt khác, nhiều hình thức ký số cũng là một trở ngại đối với những người dân chưa biết về CKS do còn nhiều bỡ ngỡ trong lần đầu tìm hiểu và tiếp cận khiến nhu cầu sử dụng CKS còn thấp.
"Nhiều DN thậm chí còn không nắm rõ về cách tích hợp CKS vào quy trình hoạt động hiện tại của mình, dẫn đến sự nhầm lẫn và phản kháng", đại diện Netrust cho hay. Do đó, việc tuyên truyền, giáo dục các tổ chức, DN và cá nhân về những lợi ích và quy trình của CKS là rất quan trọng để gỡ bỏ những rào cản này.
Cơ hội phát triển và triển vọng trong tương lai
Bất chấp những thách thức, cơ hội cho CKS ở châu Á là rất lớn. “Đại dịch đã làm nổi bật sự cần thiết của quá trình số hóa, thúc đẩy các chính phủ và DN tìm kiếm các phương pháp hiệu quả và an toàn hơn để thực hiện giao dịch từ xa”, Lee nhấn mạnh.
Khi mọi người được trải nghiệm sự tiện lợi và hiệu quả của CKS, họ sẽ dần thay đổi thói quen ký tay trên giấy tờ. CKS mang lại nhiều lợi ích, bao gồm: Tối ưu hoá quy trình và luồng công việc; giảm chi phí và gánh nặng hành chính; nâng cao tính bảo mật, tính xác thực và tính toàn vẹn của các tài liệu điện tử
“Bằng cách loại bỏ nhu cầu lưu trữ tài liệu vật lý và xử lý thủ công, các tổ chức, DN có thể cải thiện đáng kể quy trình làm việc hiện tại và giảm nguy cơ mất hoặc thất lạc tài liệu”, ông Lee cho biết. Ngoài ra, việc tăng cường áp dụng các sáng kiến về chính phủ điện tử trên khắp châu Á cũng thúc đẩy sử dụng CKS cho nhiều dịch vụ khác nhau, bao gồm: Khai thuế, đăng ký DN, xác thực tài liệu,...
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại nhiều ngành nghề, lĩnh vực trên khắp châu Á, đây cũng chính là cơ hội và thử thách để CKS tiến gần tới nhiều người dân, DN hơn nữa khi chuyển đổi số sẽ số hóa hầu hết các thủ tục hành chính, văn bản,… giúp giảm thời gian và chi phí cho chính quyền và người dân.
Bên cạnh đó, những tiến bộ về công nghệ như blockchain và thuật toán mã hóa, đã làm tăng niềm tin vào tính bảo mật và độ tin cậy của CKS. Lee cho biết: “Những tiến bộ này tạo ra một môi trường thuận lợi hơn để các DN và cá nhân áp dụng các giải pháp ký số”. Trong tương lai, sự phát triển của công nghệ và các khuôn khổ pháp lý mạnh mẽ hơn sẽ thúc đẩy các dịch vụ có sử dụng CKS phát triển mạnh hơn nữa.
"Khi các tổ chức, DN nhận ra lợi ích của số hóa, nhu cầu xác thực số an toàn sẽ tiếp tục tăng", ông Lee dự đoán. Việc tích hợp các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) với CKS sẽ mở rộng hơn nữa các ứng dụng và khả năng của chúng. Nhu cầu gia tăng về các giao dịch số an toàn và hiệu quả, cùng với những tiến bộ công nghệ sẽ thúc đẩy việc áp dụng rộng rãi CKS trên nhiều lĩnh vực và ngành công nghiệp khác nhau trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
CKS đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của khu vực, cung cấp một giải pháp an toàn, hiệu quả và tiện lợi để hiện đại hóa các dịch vụ của chính phủ và quy trình kinh doanh của DN. Khi châu Á - Thái Bình Dương này tiếp tục đẩy mạnh số hóa sẽ mở ra một tương lai đầy hứa hẹn cho lĩnh vực CKS./.