Mở rộng ứng dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn mọi giao dịch trên mạng

Ngày đăng: 14:08 - 30/06/2021

Chữ ký số đã được ứng dụng trên diện rộng

Đánh giá tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2020 của khối An toàn thông tin (ATTT) thuộc Bộ TTTT vừa diễn ra mới đây, trong năm 2019, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) tiếp tục quản lý, vận hành hệ thống kỹ thuật RootCA ổn định, thực hiện việc cấp chứng thư số cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CKS) công cộng, đảm bảo an toàn, ổn định. Các hệ thống kỹ thuật của Trung tâm được kiểm tra, đánh giá định kỳ, đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn.

Ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc NEAC, khẳng định: Với lĩnh vực chứng thực điện tử, năm vừa qua, thị trường chứng thực CKS công cộng đã tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, NEAC đã thẩm định, tham mưu để Bộ TTTT cấp mới giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực CKS (CA) công cộng cho 5 doanh nghiệp (DN), nâng tổng số CA công cộng đến nay lên 14 DN, tăng 55% so với năm 2018.

Số lượng chứng thư số công cộng đang hoạt động tính đến hết quý III/2019 là 1,27 triệu chứng thư (cấp cho DN, người dân), tăng 21% so với cùng kỳ năm 2018. Chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đang hoạt động (tính đến 30/9/2019): 220.000 chứng thư số (cấp cho cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức), tăng khoảng 67% so với 31/12/2018.

Ông Đặng Đình Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia

Cùng với đó, trong năm 2019, NEAC phối hợp với các đơn vị trong khối ATTT thuộc Bộ TTTT, triển khai có hiệu quả nhiều nhiệm vụ để hiện thực hóa các mục tiêu quan trọng khác như: bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia; điều hòa tỷ lệ thông tin tiêu cực trên không gian mạng; phát triển hệ sinh thái số Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực, đơn vị chuyên trách về ATTT; ngăn chặn thư điện tử rác, tin nhắn rác...

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CKS và xác thực điện tử cũng sẽ tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện. NEAC đã xây dựng, nâng cấp, quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật RootCA quốc gia; hệ thống định danh và xác thực điện tử; hệ thống kỹ thuật kết nối CA công cộng để thu thập số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về CKS, kết nối với hệ thống Dashboard của Bộ TTTT.

Đồng thời, NEAC tập trung xây dựng Chiến lược phát triển lĩnh vực CKS và xác thực điện tử giai đoạn 2020 - 2025; Khung danh tính số quốc gia; phối hợp chặt chẽ với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) trong quá trình khảo sát và đánh giá Chỉ số an toàn, an ninh mạng lần thứ tư, bảo đảm nâng cao thứ hạng của Việt Nam; tổ chức giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử (CPĐT)…

Trong năm 2019, NEAC đã chủ trì xây dựng các văn bản hướng dẫn triển khai nội dung chứng thực CKS và xác thực điện tử. Hành lang pháp lý về CKS và xác thực điện tử đã được xây dựng và từng bước hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sử dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, ATTT trong giao dịch điện tử. Việc sử dụng đồng bộ, trên diện rộng CKS trong hệ thống cơ quan nhà nước giúp nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh…  

Trung tâm đã xây dựng và trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 04/2019/TT-BTTTT ngày 05/7/2019 quy định về việc liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ. Thông tư được ban hành đã giải quyết về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ. Điều này góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng CPĐT, giải quyết về pháp lý và kỹ thuật để đảm bảo liên thông giữa Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS quốc gia và Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS chuyên dùng Chính phủ; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng triển khai dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động và số từ xa.

Các giải pháp này tích hợp ứng dụng ký số trên SIM điện thoại di động hoặc trên thiết bị của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, góp phần giảm đáng kể chi phí sử dụng CKS, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Toàn cảnh Hội nghị

Thúc đẩy sử dụng CKS trong giao dịch điện tử

Ngày 16/12/2019, Bộ TTTT đã có công văn số 4531/BTTTT-NEAC gửi xin ý kiến các thành viên Ủy ban quốc gia về CKS về nội dung dự thảo Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Sau khi có ý kiến trả lời, NEAC sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định để trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Nghị định được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc cung cấp và sẽ dụng dịch vụ xác thực và định danh điện tử đa dạng, góp phần đảm bảo an ninh, ATTT trong giao dịch điện tử; đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng CPĐT.

NEAC đã xây dựng và phối hợp Vụ Khoa học công nghệ trình Bộ trưởng ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 05/12/2019 quy định danh mục tiêu chuẩn bắt buộc về CKS và dịch vụ chứng thực CKS theo mô hình ký số trên thiết bị di động và ký số từ xa.

Hiện nay, Trung tâm đang phối hợp làm việc với Vụ Pháp chế về các nội dung tiếp thu giải trình về dự thảo Thông tư. Ngày 23/12/2019, NEAC đã có Phiếu trình số 120/PTENEAC-PC gửi xin ý kiến Lãnh đạo Bộ về dự thảo Thông tư.

Thông tư quy định chi tiết yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm có các chức năng ký số, chức năng kiểm tra CKS, các yêu cầu đối với Tổ chức chứng thực CKS công cộng; các yêu cầu đối với các tổ chức, cá nhân áp dụng, sử dụng CKS.

Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng chụp ảnh cùng CBCNV Trung tâm

Thông tư được ban hành là cơ sở pháp lý, kỹ thuật để các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng triển khai dịch vụ chứng thực CKS trên thiết bị di động và ký số từ xa. Các giải pháp này tích hợp ứng dụng ký số trên SIM điện thoại di động hoặc trên thiết bị của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS, góp phần giảm đáng kể chi phí sử dụng CKS, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

Hiện nay, NEAC đang nghiên cứu, đề xuất Thủ tướng Chính phủ phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thu số cho người dân, DN theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử.

Trước đó, Bộ TTTT đã có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hoàn thiện phương án đẩy mạnh việc cấp chứng thư số cho người dân, DN theo hướng giảm chi phí cấp và duy trì hoạt động chứng thư số để khuyến khích sử dụng trong các giao dịch điện tử. Trong báo cáo, Bộ TTTT đã kiến nghị và phân công nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan liên quan.

Để có thể thực hiện thành công mục tiêu giảm chi phí cấp, duy trì chứng thu số cho người dân và DN nhằm thúc đẩy sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử, cần triển khai đồng bộ các giải pháp và nhiệm vụ. Trong đó, điều kiện tiên quyết là hoàn thiện hành lang pháp lý, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về việc chấp nhận CKS trong các giao dịch điện tử nói chung và trong việc sử dụng dịch vụ công nói riêng (giúp cho CKS có giá trị pháp lý tương tự chữ ký tay).

Với những nỗ lực như vậy, việc giảm chi phí cấp, duy trì hoạt động chứng thư số mới thực sự đi vào đời sống, góp phần thúc đẩy sử dụng CKS trong các giao dịch điện tử nói chung và trong dịch vụ công trực tuyến nói riêng; tạo điều kiện và góp phần xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số ở Việt Nam.

Năm 2020, NEAC tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về CKS và xác thực điện tử; Xây dựng, nâng cấp, quản lý, vận hành các hệ thống kỹ thuật RootCA quốc gia; hệ thống định danh và xác thực điện tử; hệ thống kỹ thuật kết nối CA công cộng để thu thập số liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước về CKS, kết nối với hệ thống Dashboard của Bộ.

Đồng thời, NEAC tăng cường kiểm tra hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng của các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực CKS công cộng. Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác, DN trong nước và nước ngoài để trao đổi, học hỏi về công nghệ, phối hợp triển khai đẩy mạnh ứng dụng CKS, xác thực điện tử trong xã hội.

Theo http://ictvietnam.vn/