NEAC vinh dự nhận cờ thi đua của Chính phủ

Ngày đăng: 09:19 - 30/07/2024

Sáng ngày 29/7, Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị sơ kết công tác Thông tin và Truyền thông 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 66 điểm cầu trên toàn quốc. Trong khuôn khổ hội nghị, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho Vụ Pháp chế và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), 2 tập thể đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của Bộ TT&TT.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã trao tặng Cờ thi đua của Chính phủ cho 2 tập thể thuộc Bộ đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện nhiệm vụ công tác, dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước năm 2023 của Bộ TT&TT gồm: Vụ Pháp chế và Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia.

Được thành lập từ năm 2014, Trung tâm được giao nhiệm vụ đảm bảo vận hành về mặt kỹ thuật và chính sách của Tổ chức chứng thực chữ ký số quốc gia, là nhiệm vụ đòi hỏi chuyên môn sâu về mặt kỹ thuật. Trải qua quá trình phát triển, cùng với sự vận hành ổn định và phát triển của lĩnh vực ký số nói riêng và chứng thực điện tử nói chung, Trung tâm đã nhiều năm liền được đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Được sự tin tưởng của Lãnh đạo Bộ, từ năm 2019, Trung tâm đã bắt đầu được Lãnh đạo Bộ đặt hàng nghiên cứu, xây dựng các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của ngành, lĩnh vực, đóng góp một phần công sức vào công cuộc chuyển đổi số của quốc gia.

Xây dựng hành lang pháp lý cho giao dịch số

Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ cùng sự quan tâm chỉ đạo, ghi nhận của các cấp Lãnh đạo, ngày 19/8/2022, tại Quyết định số 1565/QĐ-BTTTT lần đầu tiên Trung tâm được Lãnh đạo Bộ giao chủ trì xây dựng Luật (Luật GDĐT sửa đổi). Đây là một bước tiến lớn để chuyển mình từ công tác sự nghiệp sang tham gia vào công tác quản lý nhà nước của Trung tâm. Đáp lại sự tin tưởng đó, mặc dù chưa có kinh nghiệm xây dựng Luật nhưng với sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, Lãnh đạo Trung tâm đã dồn toàn lực, tập trung đội ngũ cán bộ trong Trung tâm nhanh chóng tiếp nhận, triển khai nhiệm vụ một cách trách nhiệm, hiệu quả.

Qua đánh giá sơ bộ, đây là công tác mới, chưa có tiền lệ của Trung tâm, việc hoàn thiện, đáp ứng được dự án Luật qua các yêu cầu khắt khe nhất của cơ quan lập pháp đã chứng minh được chất lượng và giá trị của nhiệm vụ. Từ đó, mở ra các dịch vụ tin cậy mới, định hình lại cấu trúc giao dịch điện tử. Luật GDĐT (sửa đổi) mở rộng phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử tới tất cả các hoạt động của đời sống xã hội. Luật GDĐT (sửa đổi) sẽ quy định theo hướng không loại trừ phạm vi áp dụng của hoạt động giao dịch điện tử, tạo một khung pháp luật thống nhất về hoạt động giao dịch điện tử trong các lĩnh vực để thực hiện chuyển đổi các giao dịch từ môi trường thực sang môi trường số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 22/6/2023, Luật GDĐT đã được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XV, tại kỳ họp lần thứ 5 thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2024. Luật GDĐT năm 2023 đã kế thừa và sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT (năm 2005), đồng thời có 8 nội dung mới đã tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số tất cả ngành, lĩnh vực. Đồng thời, Luật GDĐT ra đời đã thể chế hóa đầy đủ quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị, khắc phục những vướng mắc, bất cập còn tồn tại của Luật GDĐT (năm 2005), phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành và các cam kết trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng yêu cầu và thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.

Mở rộng quy mô – Tự chủ tài chính

Với sự phát triển của giao dịch điện tử, phát triển chữ ký số cá nhân, dịch vụ chứng thực chữ ký số, dịch vụ cấp dấu thời gian và các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật giao dịch điện tử dự kiến sẽ mở ra một thị trường rộng lớn trên khắp đất nước. Vì vậy, việc tổ chức một bộ máy nhằm “đi tắt-đón đầu” về thể chế quản lý nhà nước cũng như việc có thêm cánh tay nối dài tại địa phương sẽ hỗ trợ không nhỏ cho các hoạt động, điều hành của Trung tâm nói riêng và của Bộ trong lĩnh vực giao dịch điện tử nói chung. Chính vì vậy, ngày 24/11/2023, Bộ trưởng đã có Quyết định số 2328/QĐ-BTTTT và 2329/QĐ-BTTTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Chi nhánh Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia tại thành phố Đà Nẵng và Chi nhánh Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia tại thành phố Hồ Chí Minh.

Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ tổ chức thu, quản lý và sử dụng phí dịch vụ duy trì hệ thống kiểm tra trạng thái chứng thư số và phí, lệ phí về dịch vụ chứng thực chữ ký số và xác thực điện tử, dịch vụ cấp dấu thời gian và các dịch vụ khác theo quy định pháp luật giao dịch điện tử. Tuy nhiên, quy mô phát triển và khối lượng công việc ngày càng lớn việc tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) là cần thiết nhằm góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc duy trì, đầu tư phát triển hệ thống trang thiết bị cũng như đảm bảo cung cấp dịch vụ cho các tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Chính vì vậy, Trung tâm đã xây dựng phương án tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 trình Bộ trưởng. Và ngày 12/11/2023, Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 2224/QĐ-BTTTT giao quyền tự chủ tài chính giai đoạn 2023-2025 cho Trung tâm tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1). Việc này giúp Trung tâm tiếp tục triển khai thực hiện và thanh toán các nhiệm vụ được giao, thực hiện trích lập các Quỹ theo quy định. Và khi áp dụng cơ chế tự chủ tài chính nhóm 1, giúp Trung tâm được chủ động sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước giao hiệu quả hơn để thực hiện nhiệm vụ, đồng thời, chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị, cá nhân được khen thưởng

Hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm

Ngoài những thành tích kể trên, trong năm 2023 Trung tâm cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ trọng tâm được Bộ giao phó: hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu về dịch vụ chứng thực chữ ký số; Xây dựng Chiến lược quốc gia về ứng dụng và phát triển công nghệ chuỗi khối (blockchain) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thành công gia nhập Hiệp hội Hạ tầng khoá công khai châu Á (APKIC);…/.

(NEAC)