‘Mắt xích’ kiến tạo xã hội số

Ngày đăng: 16:34 - 21/08/2024

Chữ ký số (CKS) cá nhân là chữ ký điện tử đảm bảo an toàn có giá trị tương đương với chữ ký tay của mỗi cá nhân, được dùng nhằm xác thực danh tính người ký. Trong chiến lược quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số, mục tiêu đến năm 2025, có 50% dân số trưởng thành dùng CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 là hơn 70%. Để phổ cập CKS cá nhân, thời gian qua, cơ quan quản lý nhà nước, người dân, doanh nghiệp đã nỗ lực tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt miễn phí CKS.

Cùng với sự phát triển của giao dịch điện tử, các văn bản, giấy tờ, giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa dần được thay đổi từ trực tiếp sang trực tuyến, mang đến nhiều tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Để đáp ứng nhu cầu kết nối từ xa, truyền tải thông tin trên môi trường internet, CKS được ứng dụng phổ biến và trở thành một phương thức xác thực cần thiết, thuận tiện đối với doanh nghiệp, cá nhân.

Nhiều tiện ích

Tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước, mỗi ngày có khoảng 200 lượt người đến đăng ký khám, chữa bệnh. Tất cả đơn thuốc đều được thực hiện ký số. Sau thời gian triển khai tích hợp CKS với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện đã giúp bác sĩ có thể ký, liên thông dữ liệu và đơn thuốc giữa các phòng, khoa, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Quang Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Định hướng phát triển của bệnh viện là ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ khám, chữa bệnh tốt nhất. Trong đó, bệnh viện đã phối hợp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số (CA) công cộng xây dựng mã QR động tích hợp lên phiếu thu tiền để thanh toán không dùng tiền mặt và kết hợp CKS trong từng đơn thuốc nhằm giúp đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giảm tải đáng kể áp lực công việc, giảm thời gian ghi chép, lưu sổ sách giấy.

Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Bình Phước đã tích hợp chữ ký số với hệ thống phần mềm quản lý bệnh viện, giúp các bác sĩ có thể ký, liên thông dữ liệu và đơn thuốc giữa các phòng, khoa, giúp bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi

Đối với các doanh nghiệp, khi thực hiện những thủ tục liên quan tới nộp thuế, khai báo hải quan, bảo hiểm xã hội… sử dụng CKS chính là giải pháp tối ưu hiệu quả chi phí cũng như nhân lực. Điển hình như Công ty TNHH vận tải Thành Công, phường Tân Xuân, thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước nhiều năm sử dụng CKS đã giúp bộ phận nhân sự, kế toán của công ty dễ dàng ký, gửi, xử lý công việc liên quan đến chứng từ, pháp lý trên môi trường điện tử. Chị Hoàng Minh Huệ, Trưởng phòng Nhân sự công ty chia sẻ: “Trước nhu cầu kết nối từ xa, giao dịch trực tuyến, CKS trở thành công cụ rất cần thiết với lãnh đạo công ty khi có thể ký văn bản mọi lúc, mọi nơi, giảm thời gian luân chuyển văn bản giấy. Cũng nhờ CKS, quá trình trao đổi thông tin, dữ liệu và giao dịch qua môi trường mạng của doanh nghiệp với các cơ quan chức năng cũng như đối tác được đẩy nhanh và thuận tiện hơn”.

Người dân thị xã Chơn Thành được phổ cập chữ ký số để thuận tiện trong giải quyết thủ tục hành chính

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện các đơn vị, địa phương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong phổ cập CKS vào dịch vụ công trực tuyến. Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã ký kết chương trình phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn triển khai sâu rộng ứng dụng CKS, trực tiếp đến từng khu dân cư, nhà dân và bộ phận một cửa, văn phòng đăng ký đất đai các cấp để hỗ trợ hướng dẫn cấp CKS cho công dân. Với việc được cấp miễn phí CKS cá nhân trong năm đầu cài đặt, người dân có thể sử dụng CKS khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác trên môi trường điện tử mà không phải in giấy tờ như trước.

Anh Phạm Huy Thanh ở phường Phú Thịnh, thị xã Bình Long cho biết: Các thủ tục liên quan đến đăng ký giấy phép kinh doanh, tôi không phải tới bộ phận một cửa nộp hồ sơ và chờ đợi như trước mà thực hiện ký số ngay tại nhà. Điều này giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí.

“Giấy thông hành” của công dân số

Giải pháp ký số từ xa hiện đã kết nối và tích hợp với nhiều ứng dụng khác như Cổng dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công của các tỉnh, thành phố trên cả nước, các hệ thống ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, cơ sở giáo dục, y tế… đảm bảo mỗi công dân chỉ sử dụng 1 chữ ký duy nhất cho mọi nền tảng.

Theo thống kê, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ của Bình Phước đạt gần 100%, hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến hơn 97%. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân sử dụng CKS chưa cao. Do đó, tỉnh đã triển khai đợt cao điểm “90 ngày, đêm” thực hiện mục tiêu “4 phủ”, phấn đấu 100% người dân đủ điều kiện được cấp căn cước công dân, được kích hoạt tài khoản định danh điện tử, sử dụng sim chính chủ kèm CKS. Đến nay, Bình Phước đã cấp gần 252,000 CKS cho người dân, doanh nghiệp và hoạt động của ban cơ yếu đạt hơn 48%.

Có thể thấy, CKS đã và đang trở thành “giấy thông hành” không thể thiếu trong hành trang của mỗi công dân thời 4.0. CKS và dịch vụ chứng thực CKS được xác định là yếu tố pháp lý quan trọng đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử của tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong môi trường số. Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: Trước yêu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, phổ cập CKS cho người dân là hoạt động ý nghĩa, thiết thực. Bình Phước đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo nhằm phổ cập CKS tới người dân, doanh nghiệp, giúp người dân thực hiện các giao dịch mà không cần gặp mặt và tiến tới một xã hội không giấy tờ. Từ đó sớm hoàn thiện các điều kiện hình thành công dân số trên địa bàn tỉnh. Đây còn là tiêu chí đánh giá chỉ số chuyển đổi số của Bình Phước so với các địa phương khác trong cả nước.

Văn phòng đăng ký đất đai thị xã Chơn Thành hướng dẫn người dân sử dụng chữ ký số khi nộp hồ sơ

CKS cá nhân được coi là “chìa khóa” quan trọng đưa hoạt động của người dân lên môi trường số và là một trong những tài sản số quan trọng, một “mắt xích” không thể thiếu để hình thành những công dân số. Tuy nhiên, để tạo thói quen sử dụng CKS cho người dân, các sở, ngành, địa phương cần đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến có ứng dụng CKS, từ đó tăng tính ứng dụng, thu hút sự quan tâm, sử dụng của người dân. Có như vậy, CKS mới thực sự đi vào thực tiễn, hỗ trợ đắc lực cho cơ quan nhà nước và trở thành “chìa khóa” của mỗi công dân trong kỷ nguyên số./.

(theo Báo Bình Phước)