Chính thức có hiệu lực từ ngày 1-7-2024, Luật Giao dịch điện tử 2023 được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, phát triển dịch vụ công trực tuyến, thương mại điện tử, kinh tế số và xã hội số trong tương lai.
Luật Giao dịch điện tử 2023 được mở rộng theo hướng cho phép cá nhân, cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử (GDĐT) ở bất kỳ lĩnh vực nào, trừ khi luật khác quy định không được thực hiện GDĐT. Quy định này mang tính linh hoạt, có thể cho phép các lĩnh vực khác nhau với mức độ phát triển nền tảng công nghệ số khác nhau được áp dụng thực hiện GDĐT một cách phù hợp.
Quy định chi tiết hơn về thông điệp dữ liệu
Về cơ bản, Luật GDĐT 2023 kế thừa các quy định của Luật GDĐT 2005 (đã hết hiệu lực) liên quan đến giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu. Tuy nhiên, Luật GDĐT 2023 bổ sung thêm hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu từ văn bản giấy bên cạnh các hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác và các điều kiện đối với việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu.
Sự mở rộng về hình thức thể hiện của thông điệp dữ liệu có ý nghĩa rất lớn trong việc làm phong phú thêm nguồn chứng cứ có thể được thu thập trong tố tụng dân sự. Bởi theo điều 95.3 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, thông điệp dữ liệu điện tử có thể được xem là chứng cứ khi thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về GDĐT.
Liên quan đến việc chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu, Luật GDĐT 2023 quy định văn bản chuyển đổi phải đảm bảo tính toàn vẹn và tính tham chiếu của văn bản gốc cũng như có dấu xác nhận văn bản đã được chuyển đổi và thông tin của bên thực hiện chuyển đổi. Riêng đối với việc chuyển đổi giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ, văn bản xác nhận, văn bản chấp thuận khác do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phát hành thành thông điệp dữ liệu hoặc chuyển đổi chứng thư điện tử qua văn bản giấy thì ngoài các điều kiện nêu trên, việc chuyển đổi phải được thực hiện thông qua hệ thống chuyển đổi có tích hợp chữ ký số vào văn bản được chuyển đổi.
Thực tế hiện nay, việc chuyển đổi hình thức thông tin từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu chỉ được thực hiện thông qua việc sao chụp bằng điện thoại, chuyển đổi tài liệu hoặc sử dụng máy scan văn bản thành định dạng tập tin PDF. Do đó, sẽ cần có văn bản hướng dẫn có liên quan của Chính phủ về vấn đề này để xác định tính phù hợp và tính tuân thủ quy định của Luật GDĐT 2023.
Mở đường cho hợp đồng điện tử trong nhiều lĩnh vực và công chứng điện tử
Luật GDĐT 2005 vốn chỉ quy định chung về việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử. Trong thực tế, hợp đồng điện tử có thể phát sinh trong nhiều lĩnh vực như thương mại, lao động, xây dựng, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, giao thông vận tải… nên việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong các lĩnh vực này đang gặp nhiều thách thức và rào cản pháp lý do thiếu những quy định hướng dẫn liên quan.
Luật GDĐT 2023 quy định các bộ, ngành sẽ có thẩm quyền ban hành quy định về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử trong các lĩnh vực tương ứng do mình quản lý. Quy định mới này mở ra khả năng sẽ có các quy định mang tính chất đặc thù trong hoạt động giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử đối với một số lĩnh vực chuyên ngành.
Bên cạnh đó, cùng với sự mở rộng về thông điệp dữ liệu, giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử Luật GDĐT 2023 mở đường cho sự ban hành các quy định pháp luật liên quan đến công chứng điện tử trong thời gian tới. Cụ thể, điều 9.2 Luật GDĐT 2023 quy định trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực. Có thể thấy rằng Luật GDĐT 2023 là cơ sở pháp lý nền tảng mở đường cho việc triển khai công chứng điện tử.
Bổ sung quy định về chữ ký điện tử nước ngoài
Luật GDĐT 2023 phân loại chữ ký điện tử theo phạm vi sử dụng như sau: (i) chữ ký điện tử chuyên dùng, (ii) chữ ký số công cộng, và (iii) chữ ký số chuyên dùng công vụ. Việc cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải chữ ký điện tử như phân loại trên đây thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan. Như vậy, trừ khi pháp luật có quy định khác, các hình thức xác thực điện tử đang được áp dụng phổ biến hiện nay trong các thủ tục, giao dịch như OTP, SMS, chữ ký scanned, sinh trắc học sẽ không được xem là chữ ký điện tử.
Một điểm khác cũng đáng chú ý của Luật GDĐT 2023 liên quan đến việc bổ sung quy định về công nhận tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam và công nhận chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài tại Việt Nam. Trước đây, Luật GDĐT 2005 không hướng dẫn cụ thể về chữ ký điện tử, chứng thư điện tử nước ngoài, để lại nhiều khoảng trống trong các giao dịch điện tử xuyên biên giới mà chủ thể nước ngoài có nhu cầu sử dụng chữ ký điện tử của nước sở tại.
Vì vậy, quy định mới của Luật GDĐT 2023 được đánh giá là tiến bộ hơn và dự kiến sẽ giải quyết được những vướng mắc, hạn chế hiện nay. Các bên tham gia giao dịch điện tử xuyên biên giới có thể giảm thiểu những lo ngại về giá trị pháp lý của giao dịch do được xác thực bằng các chữ ký điện tử được công nhận tại Việt Nam.
Hiện nay, có tất cả 24 tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NECA) tại địa chỉ https://neac.gov.vn/vi/ca-cong-cong?pageIndex=1. Với những quy định bổ sung của Luật GDĐT 2023, số lượng tổ chức cung cấp dịch vụ này có thể tăng lên đáng kể. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần lưu ý tham khảo, cập nhật, lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ được cấp phép phù hợp để hạn chế các rủi ro khi tham gia vào các GDĐT.
Bổ sung quy định liên quan đến dịch vụ tin cậy
Theo Luật GDĐT 2023, dịch vụ tin cậy là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, bao gồm các dịch vụ: (i) dịch vụ cấp dấu thời gian để gắn thông tin về thời gian vào thông điệp dữ liệu, (ii) dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu gồm dịch vụ lưu trữ và xác nhận tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu và dịch vụ gửi, nhận thông điệp dữ liệu bảo đảm, và (iii) dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng. Có thể thấy rằng việc bổ sung quy định liên quan đến dịch vụ tin cậy giúp nâng cao tính xác thực định danh điện tử, đảm bảo an toàn, bảo mật, tránh được các rủi ro cho người dùng do rò rỉ thông tin, dữ liệu khi tham gia vào các giao dịch điện tử.
Kết luận
Có thể thấy rằng Luật GDĐT 2023 sẽ tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào các giao dịch điện tử. Luật GDĐT 2023 dự kiến sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, giúp tạo một môi trường điện tử an toàn, pháp lý và phát triển. Đồng thời, luật này được đánh giá sẽ góp phần đảm bảo tính xác thực, tính pháp lý và tính toàn vẹn của các giao dịch, hợp đồng điện tử và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia./.
(theo Kinh tế Sài Gòn)