Khi khách hàng là trọng tâm trong cuộc đua chuyển đổi số ngành ngân hàng

Ngày đăng: 08:07 - 16/10/2023

Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) và Câu lạc bộ Chữ ký số và Giao dịch điện tử Việt Nam đã đề xuất và tích cực kết nối trong việc đưa chữ ký số ứng dụng vào ngành tài chính ngân hàng. Chiều ngày 13/10 vừa qua, NEAC đã có buổi làm việc với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cùng với Đoàn chuyên gia Hàn Quốc, trong đó có Cơ quan chứng thực thông tin Hàn Quốc (KICA) nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về việc áp dụng chứng thực chữ ký số, chữ ký điện tử trong các giao dịch điện tử.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cung cấp ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ số hóa hoàn toàn. Đầu tư cho lĩnh vực chuyển đổi số không chỉ giúp các ngân hàng tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA

Mở đầu buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA - vui mừng chào đón Đoàn chuyên gia của Hàn Quốc đã đến thăm và làm việc với VNBA về triển khai Luật Giao dịch điện tử nói chung và vấn đề liên quan đến chữ ký điện tử, chữ ký số nói riêng.

TS. Nguyễn Quốc Hùng đánh giá, việc Đoàn chuyên gia chọn VNBA để tham khảo ý kiến về nhu cầu và thực trạng triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử trong quá trình chuyển đổi số của ngân hàng Việt Nam là cuộc khảo sát hết sức ý nghĩa.

“Trong buổi trao đổi ngày hôm nay, tôi mong muốn KICA có thể chia sẻ về thực trạng cũng như kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã triển khai chữ ký số, chữ ký điện tử trong lĩnh vực tài chính ngân hàng”, TS. Nguyễn Quốc Hùng chia sẻ.

Chia sẻ về thực trạng sử dụng chữ ký số tại Hàn Quốc, đại diện Đoàn chuyên gia cho biết, các dịch vụ tài chính đang phát triển rất nhanh tại quốc gia này, đặc biệt là Mobile Banking. Hiện người dân Hàn Quốc có thể sử dụng smartphone để thực hiện chuyển tiền dễ dàng và các ngân hàng Hàn Quốc đang tiếp tục cập nhật, phát triển các ứng dụng công nghệ hỗ trợ việc chuyển tiền, thanh toán, giúp khách hàng thực hiện các giao dịch nhanh chóng hơn, đồng thời liên tục cập nhật các phần mềm để hỗ trợ bảo mật cho các giao dịch như: OTP, chữ ký số, chữ ký điện tử…

Toàn cảnh buổi làm việc

“Tuy các ngân hàng tại Hàn Quốc đều có hệ thống nội bộ để hỗ trợ bảo mật cho các dịch vụ của ngân hàng, nhưng các ngân hàng cũng như Hiệp hội Ngân hàng Hàn Quốc vẫn đang tìm kiếm những đối tác có khả năng hỗ trợ để cập nhật, phát triển các hệ thống an ninh bảo mật tốt hơn”, đại diện Đoàn chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ.

Cũng theo đại diện Đoàn chuyên gia, Hàn Quốc đã có: Luật về giao dịch điện tử, luật về chữ ký số. Nhờ đó, các công nghệ về chữ ký số và xác thực điện tử không chỉ hỗ trợ cho các ngân hàng, mà còn hỗ trợ cho các đối tác của ngân hàng, giúp cho hoạt động tài chính cũng như việc thực thi các đạo luật về chữ ký số, chữ ký điện tử dễ dàng hơn.

Chuyên gia Hàn Quốc cho biết thêm, hiện tất cả giao dịch điện tử ở Hàn Quốc đều đã áp dụng các công nghệ về chữ ký số và xác thực điện tử. Theo đó, việc sử dụng chữ ký số trong giao dịch điện tử đã được đề ra trong điều luật về giao dịch điện tử và khi sử dụng chữ ký số, các giao dịch của khách hàng sẽ được bảo vệ không chỉ bởi mỗi ngân hàng mà còn các nhà cung cấp dịch vụ khác.

“Tại Hàn Quốc, khi thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, khách hàng sẽ không sử dụng mã OTP hay password nữa, thay vào đó là sử dụng chữ ký số để tăng mức độ bảo mật. Có thể nói, chữ ký số là bắt buộc trong các giao dịch tại Hàn Quốc”, đại diện Đoàn chuyên gia Hàn Quốc chia sẻ.

Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn sử dụng OTP trên ứng dụng điện thoại cho các giao dịch có giá trị nhỏ, nhưng các dịch vụ OTP này chưa được pháp luật Hàn Quốc công nhận và được quản lý bởi một trung tâm xác thực OTP. Hệ thống OTP tập trung này được định nghĩa là một bên thứ 3 cung cấp dịch vụ đáng tin cậy và Hàn Quốc mong muốn có thể sử dụng các tổ chức cung cấp dịch vụ đáng tin cậy này để thực hiện xác thực chữ ký số trong các giao dịch điện tử.

Trao đổi về thực trạng chữ ký số tại Việt Nam, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, hiện nay, 95% giao dịch thực hiện thanh toán bằng Token, mã OTP; chỉ 5% sử dụng chữ ký số và không có trung tâm quản lý OTP như Hàn Quốc. Do đó, độ bảo mật đối với các giao dịch điện tử chưa cao, nên tới đây NHNN đang hướng đến việc quy định giá trị giao dịch từ 10 triệu đồng trở lên sẽ phải sử dụng sinh trắc học đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng cũng cho biết, VNBA cũng đã có ý tưởng thành lập trung tâm xác thực OTP sau khi Nghị định 13 của Chính phủ được ban hành nhưng đơn vị xác thực không trực thuộc ngành Công an nên chưa được thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay các ngân hàng cũng đang thực hiện các giao dịch thông qua OTP song hành cùng chữ ký số và chữ ký điện tử.

Thời gian tới, VNBA kỳ vọng có thể phối hợp, xem xét và nghiên cứu thành lập một bộ phận trung gian làm việc với đơn vị chứng thực quốc gia để cung cấp chữ ký số cho các hội viên, giảm thiểu chi phí cho khách hàng những vẫn đảm bảo an toàn trong giao dịch điện tử.

Kết thúc buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhận định, việc sử dụng chữ ký số, chữ ký điện tử an toàn tại thời điểm này là cần thiết và cần nhân rộng để người dân, doanh nghiệp hiểu được vai trò của chữ ký số, chữ ký điện tử là đảm bảo an toàn tài chính cho mỗi giao dịch của mình.

“Buổi làm việc hôm nay đã mang đến nhiều kiến thức cũng như góc nhìn thực tế về tình trạng thanh toán điện tử trong hệ thống ngân hàng tại Hàn Quốc. Tôi mong muốn KICA tiếp tục kết nối, phối hợp và chia sẻ thông tin để VNBA có thể nắm bắt kinh nghiệm trong hoạt động ngân hàng Hàn Quốc và các đơn vị cung cấp đảm bảo an toàn dịch vụ chữ ký số, từ đó tham mưu cho NHNN để có thể áp dụng chữ ký số, chữ ký điện tử tại Việt Nam”, đại diện VNBA bày tỏ.