Nghị định quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

Ngày đăng: 10:40 - 24/10/2024

Ngày 23/10/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 137/2024/NĐ-CP quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, trong đó có quy định phân loại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước.

Nghị định gồm 05 Chương, 24 Điều, trong đó quy định chi tiết về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử bao gồm chuyển đổi hình thức giữa văn bản giấy và thông điệp dữ liệu; hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử; hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; trách nhiệm của chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử quy mô lớn, rất lớn và tiêu chí tín nhiệm mạng của hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Một số nội dung nổi bật của Nghị định:

1. Về chuyển đổi hình thức văn bản

Nghị định quy định các văn bản chuyển đổi hình thức từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu và ngược lại ngoài việc đáp ứng các yêu cầu theo quy định tại Điều 12 Luật Giao dịch điện tử phải bảo đảm yêu cầu về ký hiệu riêng bằng chữ thể hiện thông điệp dữ liệu đã được chuyển đổi và thời gian thực hiện chuyển đổi; thông tin đầy đủ của cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi.

Để thực hiện việc chuyển đổi, hệ thống thông tin phải đáp ứng các yêu cầu sau:

- Đối với hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu phải đảm bảo (1) Chuyển đổi toàn vẹn nội dung từ văn bản giấy sang thông điệp dữ liệu; (2) Tạo ký hiệu riêng và các thông tin khác trên thông điệp dữ liệu theo quy định; (3) Lưu trữ thông điệp dữ liệu; (4) Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng theo quy định của pháp luật và (5) Phải có tính năng ký số trong trường hợp chuyển đổi thông điệp dữ liệu từ văn bản giấy theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 12 Luật Giao dịch điện tử.

- Đối với hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi từ thông điệp dữ liệu sang văn bản giấy phải đảm bảo tính năng: (1) Truy xuất từ hệ thống lưu trữ và hiển thị thông điệp dữ liệu gốc cần chuyển đổi dưới dạng hoàn chỉnh; (2) Tạo ký hiệu riêng và các thông tin khác trên văn bản giấy và (3) Chuyển đổi toàn vẹn nội dung từ thông điệp dữ liệu gốc sang văn bản giấy.

- Các Hệ thống thông tin phục vụ chuyển đổi văn bản có giá trị pháp lý theo quy định của pháp luật liên quan phải được rà soát và đáp ứng các yêu cầu trên trong vòng 24 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực.

2. Về hoạt động của cơ quan nhà nước trên môi trường điện tử

- Nghị định quy định các cơ quan nhà nước phải ưu tiên thực hiện toàn trình trên môi trường điện tử trong 04 lĩnh vực (1) cung cấp dịch vụ công; (2) công tác quản trị nội bộ; (3) công tác chỉ đạo điều hành và (4) giám sát, kiểm tra thanh tra. Quy định này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động của cơ quan nhà nước phục vụ xây dựng Chính phủ số, phát triển kinh tế số, xã hội số theo các Chương trình, Kế hoạch đã đề ra.

- Sửa đổi thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch 05 năm về ứng dụng CNTT của các bộ ngành, địa phương được quy định tại Điều 25 Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 về ứng dụng CNTT trong CQNN theo hướng giao trách nhiệm cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch 5 năm, kế hoạch hằng năm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (thay vì Thủ tướng phê duyệt như tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP) và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ hướng dẫn bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch (không thực hiện thẩm định như quy định tại Nghị định số 64/2007/NĐ-CP). Việc sửa đổi này là cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các Bộ, ngành, địa phương chủ động hơn trong việc xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT và phù hợp với chủ trương đẩy mạnh phân cấp phân quyền của Đảng, Nhà nước.

- Liên quan đến cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thủ tục hành chính trên môi trường điện tử,Nghị định đã có quy định cụ thể nhằm tạo điều kiện thuận lợicho các bộ ngành, địa phương có thể giải quyết thủ tục hành chính và dịch vụ công trên môi trường điện tử ngay mà không cần rà soát, ban hành nhiều văn bản, như sau: “Thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công quy định hoặc không quy định thực hiện bằng phương tiện điện tử thì được áp dụng thực hiện theo quy định của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và quy định của Chính phủ về cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, trừ trường hợp luật khác quy định không được thực hiện bằng phương tiện điện tử”

3. Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử

- Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử được phân loại như sau:

+ Theo chủ quản hệ thống thông tin (gồm: cơ quan, tổ chức nhà nước; tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân).

+ Theo chức năng, tính năng của hệ thống thông tin (gồm: giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; Giao dịch điện tử trong hoạt động thương mại;Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;Giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng;Giao dịch điện tử trong hoạt động khác)

+ Theo quy mô số lượng người sử dụng hệ thống thông tin (gồm: quy mô lớn với số lượng người sử dụng trung bình theo tháng tại Việt Nam từ 3% đến 10% tổng dân số và quy mô rất lớnvới số lượng người sử dụng trung bình theo tháng tại Việt Nam trên 10% tổng dân số)

- Việc xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn phục vụ giao dịch điện tử sẽ do chủ quản nền tảng số tự xác định lần đầu trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực và định kỳ trước 31 tháng 01 hằng năm sau thời điểm tự xác định quy mô lần đầu tiên, chủ quản nền tảng số trung gian phục vụ giao dịch điện tử trách nhiệm tự xác định quy mô số lượng người sử dụng. Trường hợp đáp ứng tiêu chí xác định nền tảng số trung gian quy mô lớn, rất lớn, chủ quản nền tảng số thực hiện báo cáo, cung cấp số liệu cho cơ quan quản lý nhà nước.

- Liên quan đến trách nhiệm của nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn phục vụ giao dịch điện tử, Nghị định đã cụ thể hoá các trách nhiệm công bố công khai, phổ biến cơ chế phản ánh vướng mắc và xử lý vướng mắc phát sinh trong giao dịch điện tử; cơ chế phản ánh và xử lý nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam trên nền tảng số trung gian từ nguồn phản ánh được đánh giá là tin cậy; công bố công khai nguyên tắc chung, thông số hoặc tiêu chí được sử dụng để đưa ra khuyến nghị hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo cho người sử dụng và cho phép người sử dụng lựa chọn phương án không sử dụng khuyến nghị hiển thị nội dung, hiển thị quảng cáo dựa trên phân tích dữ liệu về người sử dụng; công bố công khai và phổ biến bộ quy tắc ứng xử áp dụng đối với các bên liên quan tham gia sử dụng hệ thống của chủ quản nền tảng số trung gian quy mô lớn và rất lớn phục vụ giao dịch điện tử.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia trực tiếp hoặc có liên quan đến giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước và hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

Nghị định 137/2024/NĐ-CP hiệu lực kể từ ngày 23/10/2024, trừ trường hợp quy định tại Điều 23 Nghị định này./.