Nhằm hỗ trợ Lào trong việc thúc đẩy phát triển lĩnh vực xác thực điện tử và chữ ký số (CKS), thời gian vừa qua, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) - Bộ TT&TT đã phối hợp với Trung tâm Internet quốc gia Lào (LANIC) tổ chức khóa tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực CKS cho các cán bộ của Lào.
Đây là một bước quan trọng nhằm chia sẻ kinh nghiệm và tạo cầu nối giữa hai quốc gia trong lĩnh vực CKS và giao dịch điện tử (GDĐT).
Tình hình phát triển và ứng dụng CKS tại Lào
Tổ chức chứng thực gốc quốc gia Lào (NRCA) được thành lập năm 2018, là một đơn vị trực thuộc Trung tâm Internet quốc gia - Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào. NRCA có chức năng chính là: quản lý Root CA; cấp/thu hồi chứng thư số cho các CA (bao gồm cả CA trong cơ quan nhà nước - GovCA và CA công cộng); ban hành chính sách, quy định, tiêu chuẩn; quản lý quá trình thực thi của các CA thứ cấp; đào tạo và khuyến khích sử dụng CKS; kết nối với các CA nước ngoài.
Hiện tại, Lào có 01 CA công cộng và 03 đối tác để phát triển CA công cộng bao gồm: Unitel, Datacom và S-Tech. Tuy nhiên, phía Lào chưa có hoạt động triển khai dịch vụ chứng thực CKS trong cả khu vực công và khu vực tư nhân.
Đối với hành lang pháp lý, Lào sửa đổi Luật GDĐT năm 2012 đã được Quốc hội Lào thông qua trong năm 2022. Bên cạnh đó, Lào có Luật chữ ký điện tử (CKĐT) ban hành năm 2018. Tuy nhiên, do những khó khăn liên quan đến hạ tầng công nghệ và chính sách thúc đẩy mà hiện tại Lào vẫn chưa xây dựng những tiêu chí bắt buộc, tiêu chuẩn quốc gia, yêu cầu cụ thể để triển khai CKS và các dịch vụ tin cậy.
Về chứng thư số, hiện tổng số chứng thư số công cộng do CA công cộng Lào (LCA) cấp có 25 chứng thư số USB Token, 50 chứng thư số Softkey; CA chính phủ cấp 90 chứng thư số USB Token, 200 chứng thư số Softkey.
Với thực trạng này, Lào đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Đây vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội để xây dựng, phát triển các hoạt động hợp tác cụ thể giữa NEAC và LANIC nói riêng và hai Bộ chủ quản nói chung.
Việt Nam hỗ trợ tập huấn cho các cán bộ Lào về xác thực điện tử và CKS
Nhằm chia sẻ kinh nghiệm về chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực CKS với Lào, trong thời gian vừa qua, NEAC đã tiếp tục phối hợp, hỗ trợ, thực hiện công tác làm việc song phương với LANIC.
Tháng 9/2023, tại Thủ đô Viêng Chăn, NEAC đã phối hợp với LANIC tổ chức lớp tập huấn cho các cán bộ của Lào về xác thực điện tử và CKS.
Theo đó, chương trình tập huấn, NEAC đã tập trung chia sẻ về các nội dung như: Dịch vụ tin cậy và CKS, các tác động trực tiếp và lợi ích mang lại cho các tổ chức chứng thực CKS công cộng; Tình hình phát triển và ứng dụng CKS tại Việt Nam, các sáng kiến nhằm mở rộng thị trường CKS công cộng, đặc biệt là CKS cá nhân nhằm thúc đẩy nền kinh tế số, xã hội số; Khung tiêu chuẩn PKI quốc gia tại Việt Nam.
Ngoài ra, chương trình tập huấn còn chia sẻ các nội dung về quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng cho hệ thống CA bao gồm: Root CA và SubCA, các tiêu chuẩn vận hành hệ thống áp dụng cho Root CA và Sub-CA; Quản lý hệ thống kỹ thuật bao gồm: quy trình vận hành hệ thống xác thực chữ ký, hệ thống Root CA của Việt Nam, hệ thống sub-CA của các CA công cộng...
Thông qua khóa tập huấn, phía Lào cũng đã có điều kiện thăm quan thực tế và trao đổi, học hỏi về mô hình kỹ thuật, kinh nghiệm và quy trình triển khai dịch vụ chứng thực CKS tại Việt Nam để có thể tiếp thu và áp dụng tại Lào.
Việt Nam hỗ trợ Lào xây dựng hệ thống Root CA phù hợp triển khai đồng bộ ứng dụng CKS vào thực tiễn
Bên lề chương trình tập huấn, NEAC cũng đã có buổi làm việc song phương với LANIC và thảo luận về khuôn khổ pháp lý để phát triển việc cung cấp dịch vụ chứng thực CKS ở Lào; khuôn khổ pháp lý để áp dụng CKS trong các ngành, lĩnh vực.
Cụ thể, hai bên đã trao đổi thông tin về khuôn khổ pháp lý, quy định và thực trạng phát triển CKS và chứng thực điện tử ở mỗi quốc gia, chia sẻ kinh nghiệm triển khai, vận hành và quản lý National Root CA và hệ thống CA công cộng ở mỗi quốc gia.
NEAC cũng đã trao đổi, tư vấn cho phía LANIC về mô hình các CA hiện tại của Lào, chuẩn hóa các quy trình, hướng dẫn và tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực CKS, GDĐT.
Đặc biệt, thực hiện thỏa thuận trong Biên bản ghi nhớ (MoU) được ký kết giữa hai bên, NEAC giúp LANIC đào tạo và nâng cao nghiệp vụ trong lĩnh vực giao dịch điện tử và CKS; Thảo luận việc cần thiết nghiên cứu về các điều kiện từ pháp lý, quy trình thủ tục, kỹ thuật, sự sẵn sàng của mỗi bên cho việc công nhận lẫn nhau về CKS và khả năng tương tác giữa Root CA quốc gia Lào và Root CA quốc gia Việt Nam; và các lĩnh vực khác theo thỏa thuận của hai bên…
Hoạt động hợp tác trong MoU giữa hai bên sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam hỗ trợ, giúp Lào xây dựng hệ thống Root CA phù hợp, tương thích, triển khai đồng bộ ứng dụng CKS, hạ tầng khóa công khai vào thực tiễn, góp phần giúp Lào triển khai chuyển đổi số, áp dụng CKS trong cả khu vực công và khu vực tư nhân, đặc biệt là các lĩnh vực nhằm nâng cao sức cạnh tranh của Lào như thuế, hải quan, bảo hiểm,… góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Lào.
Về việc tăng cường trao đổi, hợp tác trong thời gian tới, theo NEAC, việc hợp tác giữa hai bên dự kiến sẽ được thực hiện thông qua các hình thức như: Tăng cường trao đổi thông tin giữa hai bên (trao đổi các tài liệu khoa học, kỹ thuật hoặc chính sách đã được phổ biến, tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn hoặc các cuộc họp phù hợp khác trong lĩnh vực CKS, giao dịch điện tử); Trao đổi đoàn và chuyên gia (hiện có 2 chuyên gia LANIC đang học tập tại NEAC và CA công cộng); Tổ chức đào tạo, tập huấn, hợp tác nghiên cứu và phát triển;…
Hợp tác với Lào là một trong những trọng tâm và ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hợp tác của Bộ TT&TT
Tăng cường và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Lào luôn là một trong những trọng tâm và ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch hợp tác của Bộ TT&TT, trong đó có NEAC. Việc tổ chức các hoạt động hợp tác, hỗ trợ Lào đạt được các hiệu quả thực chất sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện giữa hai bên trong thời gian tới.
Nhằm triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác tiếp theo với LANIC theo MoU đã ký giữa NEAC và LANIC, NEAC đã đưa ra một số đề xuất cụ thể.
Thứ nhất, tiếp tục trao đổi, tập huấn chuyên sâu hơn về việc thiết lập một hệ thống CA của Lào hoạt động an toàn, bảo mật, hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục trao đổi sâu hơn về việc ứng dụng CKS vào các ngành, lĩnh vực chủ yếu mà Việt Nam đã áp dụng thành công như: thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử, hợp đồng điện tử, đấu thầu điện tử, văn bản điện tử trong cơ quan nhà nước.
Thứ ba, trao đổi các kỹ thuật, công nghệ về CKS, dấu thời gian, xác thực điện tử; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho các công nghệ, kỹ thuật mới nhằm hỗ trợ Lào nhanh chóng ứng dụng rộng rãi CKS với các công nghệ mới như ký số từ xa (remote signing).
Đồng thời, NEAC cũng đề xuất Bộ TT&TT giao NEAC chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tiếp tục thảo luận với phía LANIC (Lào) các khía cạnh từ chính sách pháp luật, các bước hai bên cần chuẩn bị và phối hợp để tiến tới công nhận lẫn nhau về CKS giữa Việt Nam và Lào./.
(NEAC tổng hợp)