Ngày 18/10/2024, tại TP Hạ Long, Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC), Bộ TT&TT đã phối hợp với Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC) đồng tổ chức Diễn đàn quốc tế về Hạ tầng khóa công khai (PKI) với chủ đề "Đảm bảo tương lai số - Những tiến bộ trong lĩnh vực PKI và các khuôn khổ tin cậy".
NEAC với tư cách là thành viên mới của Hiệp hội Hạ tầng khóa công khai châu Á (APKIC) đã được Hiệp hội tin tưởng và mời đăng cai tổ chức Diễn đàn lần này. Đây là dịp để cộng đồng cùng nhau chia sẻ, khám phá những giải pháp tiên tiến, ứng dụng hiệu quả PKI vào hệ thống hạ tầng số, tạo nền tảng cho các giao dịch điện tử an toàn, minh bạch và bền vững. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, PKI không chỉ đóng vai trò là hạ tầng cốt lõi mà còn là chìa khóa đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin trong môi trường số hóa.
Giới thiệu về APKIC, ông Vijayakumar Manjunatha, Tổng thư ký Hiệp hội APKIC cho biết, APKIC là một tổ chức được thành lập hướng tới thúc đẩy áp dụng và nâng cao nhận thức về PKI bao gồm việc triển khai và tiêu chuẩn hóa giữa các quốc gia thành viên, nhằm đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử (GDĐT) với sự tham gia của các cơ quan quản lý, nhà cung cấp dịch vụ, các tổ chức nghiên cứu cũng như các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ.
Sứ mệnh của Hiệp hội APKIC là thúc đẩy công nhận lẫn nhau về chữ ký số và xác thực điện tử giữa các thành viên, nâng cao nhận thức và ứng dụng về PKI và tăng cường hệ sinh thái số.
Sứ mệnh của APKIC là thúc đẩy công nhận lẫn nhau về chữ ký số (CKS) và xác thực điện tử giữa các thành viên, nâng cao nhận thức và ứng dụng về PKI và tăng cường hệ sinh thái số.
Được thành lập năm 2001, APKIC đã phát triển mạnh mẽ trong hai thập kỷ qua, số quốc gia thành viên đến nay là 12, bao gồm một số nền kinh tế lớn châu Á như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn độ... NEAC đã chính thức được kết nạp trở thành thành viên của Hiệp hội vào ngày 18/10/2023.
Theo ông Vijayakumar Manjunatha, chuẩn mực pháp lý và chính sách rất quan trọng khi chúng ta nói về sự công nhận lẫn nhau, niềm tin. Không chỉ vậy, việc đảm bảo danh tính, thẩm định và bảo vệ khóa cũng có vai trò lớn trong việc công nhận lẫn nhau, bởi nếu một quốc gia không đưa ra đủ các yếu tố để đảm bảo về danh tính, thì các quốc gia khác khó có thể đặt niềm tin.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Srinivasan, Chủ tịch APKIC cho biết quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, góp phần thúc đẩy xã hội số phát triển. Và đối với xã hội số, sự tin cậy và an toàn, khả năng tương tác,... ngày càng trở nên cần thiết. Đó là lý do khiến PKI đóng vai trò quan trọng bởi nó đảm bảo sự an toàn cho các giao dịch trực tuyến.
PKI rất cần thiết để cung cấp các giao dịch số an toàn, đảm bảo sự tin cậy trong các giao dịch trực tuyến và bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Sự kết hợp danh tính và xác thực là những gì được cung cấp bởi công nghệ PKI. PKI rất cần thiết để cung cấp các giao dịch số an toàn, đảm bảo sự tin cậy trong các giao dịch trực tuyến và bảo vệ thông tin nhạy cảm.
Theo Chủ tịch APKIC, với sự xuất hiện của các công nghệ tiên tiến như chuỗi khối (blockchain), máy tính lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI),... mọi thứ đang chuyển đổi. Trong bối cảnh đó, PKI cũng phải được chuyển đổi để thích ứng với sự phát triển của các công nghệ mới và đảm bảo an toàn cho các giao dịch trong xã hội số.
Phát biểu tại diễn đàn, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC chia sẻ “chủ đề của diễn đàn "Đảm bảo tương lai số - Những tiến bộ trong lĩnh vực PKI và các khuôn khổ tin cậy" cũng phản ánh rõ ràng tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển một hạ tầng khóa công khai mạnh mẽ và toàn diện. Đây là yếu tố quyết định để thúc đẩy các giao dịch số hóa, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp, người dân và cả chính phủ trong việc áp dụng những công nghệ mới một cách an toàn và hiệu quả”.
Việt Nam hướng tới phổ cập CKS, xây dựng nền tảng giao dịch điện tử an toàn và bền vững
Theo Giám đốc NEAC, trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một môi trường pháp lý và kỹ thuật phù hợp, nhằm phát triển hạ tầng khóa công khai phục vụ cho các GDĐT.
Trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển nhanh chóng, hạ tầng khóa công khai đóng vai trò quan trọng, không chỉ đảm bảo an toàn dữ liệu mà còn tạo ra nền tảng tin cậy cho các GDĐT, từ các dịch vụ ngân hàng, tài chính đến quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
"Đặc biệt, với sự hợp tác quốc tế thông qua APKIC, chúng ta có cơ hội tiếp cận nguồn tri thức, kinh nghiệm quý báu từ các nước trong khu vực và trên thế giới, để xây dựng một hạ tầng số đáp ứng nhu cầu phát triển của Việt Nam. Đồng thời qua những hoạt động hợp tác này khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ an ninh thông tin toàn cầu", bà Tô Thị Thu Hương cho biết.
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phổ cập CKS cho toàn dân nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số.
Theo Giám đốc NEAC, một trong những ứng dụng quan trọng nhất của PKI đó chính là CKS. Tại Việt Nam, CKS được coi là thành phần quan trọng của hạ tầng số, là công cụ không thể thiếu nhằm ánh xạ các hoạt động trong thế giới thực lên môi trường điện tử. Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực phổ cập CKS cho toàn dân nhằm phát triển kinh tế số, xã hội số.
"Chúng tôi đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, 50% dân số trưởng thành sẽ sở hữu CKS, nhằm đảm bảo tính an toàn, tiện lợi và minh bạch cho mọi giao dịch điện tử, từ hành chính công, thương mại điện tử, giao dịch tài chính đến các dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục…", bà Tô Thị Thu Hương cho biết.
Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam đang tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ tin cậy, đặc biệt là CKS, được triển khai rộng rãi. Đến nay, chúng tôi đã đạt được những thành công đáng kể trong lĩnh vực thuế và hải quan, với 100% các doanh nghiệp đã sử dụng CKS trong các thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, hành trình phổ cập CKS đến người dân vẫn còn nhiều thách thức. Chính vì vậy, Việt Nam đang không ngừng mở rộng ứng dụng CKS sang các lĩnh vực dịch vụ công, y tế, giáo dục, và nhiều ngành khác, để đảm bảo mọi người dân đều được tiếp cận với công nghệ tiên tiến này.
Giám đốc NEAC cho biết diễn đàn hôm nay sẽ tập trung vào một loạt các chủ đề mang tính chiến lược và định hướng, góp phần vào việc xây dựng một hệ sinh thái số bền vững, an toàn, và tin cậy cho Việt Nam nói riêng, cũng như cho toàn khu vực như khuôn khổ pháp lý và chính sách, tiêu chuẩn,...
Những chủ đề được trình bày và trao đổi sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sâu rộng hơn về hiện trạng và xu hướng phát triển của PKI, góp phần xây dựng nền tảng GDĐT an toàn và bền vững.
"Tôi tin tưởng rằng, với sự tham gia đông đảo của các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, diễn đàn hôm nay sẽ mở ra những ý tưởng, giải pháp và cơ hội hợp tác mới, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của hạ tầng khóa công khai tại Việt Nam và trong khu vực", bà Tô Thị Thu Hương nhấn mạnh./.