Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, khi các giao dịch trực tiếp dần được thay thế bằng các giao dịch điện tử thì việc ứng dụng chữ ký số đã mang lại nhiều lợi ích cho các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch trên môi trường điện tử, góp phần kiến tạo xã hội số.
Nhiều tiện ích cho người dùng
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông Vĩnh Phúc, đến nay, Sở đã cấp 2.549 chứng thư số cho 515 cơ quan, đơn vị; trong đó có 2.034 chứng thư số cá nhân, 480 chứng thư số cơ quan. Các Tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số (CA) công cộng cấp 9.717 chữ ký số cho các công ty, doanh nghiệp; 5.509 chữ ký số cá nhân để thực hiện các giao dịch điện tử.
Chữ ký số giúp hoạt động quản lý, điều hành 2 điểm trường của Trường Mầm non Hải Lựu thuận tiện, dễ dàng hơn
Việc triển khai ứng dụng chữ ký số đã dần đi vào nề nếp trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan Nhà nước, bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử, bởi chữ ký số trên môi trường điện tử có giá trị tương đương một chữ ký bình thường trên các giấy tờ, văn bản; đóng vai trò quan trọng trong việc xác nhận, bảo đảm về trách nhiệm, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia ký kết văn bản hay giao dịch điện tử. Đặc biệt, chữ ký số cho phép các bên không phải gặp trực tiếp mà vẫn có thể mua bán, trao đổi, ký hợp đồng, thực hiện các giao dịch điện tử một cách an toàn với độ chính xác cao, từ đó tiết kiệm thời gian và các chi phí khác. Đến tháng 5/2024, tỷ lệ chữ ký số ở các cơ quan hành chính Nhà nước 3 cấp trên địa bàn tỉnh đạt 99%; trên 90% doanh nghiệp sử dụng nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; 100% doanh nghiệp đã hoàn thành việc đăng ký phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử.
Bà Nguyễn Thị Lan, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Lựu, huyện Sông Lô cho biết: “Chữ ký số đã mang lại nhiều tiện lợi cho công tác quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường, bởi Trường Mầm non Hải Lựu có 2 điểm trường cách nhau gần 10km, với trên 400 trẻ, 32 giáo viên. Nếu trước kia, mỗi ngày tôi phải dành từ 2 - 3 tiếng cho việc in ấn, giải quyết, ký các văn bản, chứng từ kế toán, bảng lương, sổ sách bảo hiểm... thì nay, nhờ có chữ ký số thay thế thủ tục ký tên thủ công, tôi chỉ mất khoảng 30 phút để xử lý văn bản, phê duyệt hồ sơ mỗi ngày. Đặc biệt, nhờ có chữ ký số và mạng Internet, tôi có thể ký, giải quyết được hồ sơ, thủ tục giấy tờ ở bất cứ nơi đâu. Hơn nữa, chữ ký số cũng giúp nhà trường tiết kiệm đáng kể chi phí in ấn, lưu trữ, vận chuyển tài liệu, thuận tiện cho cán bộ, giáo viên”.
Không chỉ có Trường Mầm non Hải Lựu, huyện Sông Lô, thực hiện Văn bản số 455 của Sở Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn đăng ký chữ ký số cho công chức, viên chức, người lao động trong ngành, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn đội ngũ giáo viên đăng ký chữ ký số, phấn đấu khối tiểu học hoàn thành việc đăng ký chữ ký số xong trước ngày 10/4/2024; khối THCS xong trước ngày 20/8/2024; khối mầm non xong trước ngày 20/8/2025.
Chuyển động cùng chuyển đổi số, số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh sử dụng chữ ký số ngày càng tăng, nhất là từ khi Cục Thuế tỉnh yêu cầu 100% doanh nghiệp phải khai báo thuế qua mạng, sử dụng hóa đơn điện tử, thuế điện tử. Chị Nguyễn Thị Hằng Nga, kế toán Công ty TNHH Optrontec vina, Khu công nghiệp Bá Thiện 2 cho biết: “Optrontec vina là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc, chuyên cung cấp các sản phẩm linh kiện điện tử cho Tập đoàn Samsung. Hằng ngày, bộ phận kế toán thực hiện rất nhiều giao dịch nên chữ ký số được xem là “mắt xích” quan trọng giúp doanh nghiệp giải quyết các thủ tục nhanh gọn, thay thế chữ ký tay trong tất cả trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan Nhà nước, phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng… Đặc biệt, lãnh đạo là người Hàn Quốc khi về nước hoặc đi công tác xa vẫn điều hành được hoạt động của công ty và ký các loại văn bản, giấy tờ, hóa đơn, chứng từ trong “tích tắc”, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí mà hoạt động của doanh nghiệp vẫn bảo đảm an toàn”.
Hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, trước kia anh Văn Hoàng Long, Phó Giám đốc Công ty cổ phần KeHin, thành phố Vĩnh Yên mất khá nhiều thời gian cho việc lái xe đi lại nhằm bảo đảm thực hiện song hành cả 2 nhiệm vụ là kiểm tra, chỉ huy trên các công trình xây dựng và ký giấy tờ, giải quyết các hồ sơ, thủ tục hành chính lĩnh vực xây dựng, thuế, bảo hiểm xã hội ở công ty. Còn từ năm 2022 đến nay, nhờ có chữ ký số, anh đã giảm được khá nhiều thời gian cho việc đi lại vì ngay cả khi đứng trên các công trình xây dựng, chỉ cần mở điện thoại, sử dụng chữ ký số là có thể ký, giải quyết được các hồ sơ, giấy tờ một cách nhanh chóng, tiện lợi.
Ngoài chữ ký số truyền thống, các nhà mạng trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai thêm chữ ký số từ xa với các ưu điểm là người dùng không cần phải mang theo USB Token và không bị bó buộc khi sử dụng SIM. Chữ ký số từ xa sử dụng công nghệ đám mây, tốc độ xử lý nhanh, dễ dàng ký hợp đồng, hóa đơn, văn bản pháp lý mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị thông minh.
“Mắt xích” xây dựng xã hội số
Thực hiện Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 50% dân số trưởng thành dùng chữ ký số cá nhân, đến năm 2030 đạt trên 70%. Góp phần hiện thực hóa mục tiêu này và để đẩy nhanh chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã nhiều cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho chuyển đổi số. Trong đó, riêng nội dung chữ ký số, giữa tháng 6/2020, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 25 về việc Quy chế phối hợp quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 04 về ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản điện tử trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh; Công văn số 2853 về nghiên cứu, tham khảo báo cáo chuyên đề về tình hình phát triển và ứng dụng chữ ký số…
Hướng dẫn cài đặt sử dụng dịch vụ chữ ký số
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh phổ cập chữ ký số cá nhân cho người dân; triển khai thực hiện tốt Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Khuyến khích mỗi người dân trong độ tuổi trưởng thành đều có danh tính số, tài khoản số, chữ ký số; hỗ trợ triển khai đào tạo, tập huấn về chữ ký số cho người dân. Đồng thời, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, văn bản điện tử và các dịch vụ phục vụ doanh nghiệp như: Hợp đồng điện tử, hóa đơn điện tử, ngân hàng điện tử, chứng từ điện tử, thương mại điện tử...
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao, Sở Thông tin và Truyền thông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cài đặt ứng dụng, cấp chứng thư số và sử dụng chữ ký số. Đầu tháng 5/2024, Sở đã ban hành Văn bản số 519 về tăng cường quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh. Đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường quản lý, kiểm tra, đôn đốc sử dụng chứng thư số, thiết bị lưu khóa bí mật, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng. Quán triệt đầy đủ các quy định của pháp luật về trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quản lý, sử dụng chứng thư số, thực hiện nhiệm vụ người ký số. Thường xuyên rà soát để thu hồi các chữ ký số đã được cấp nhưng không sử dụng. UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện đúng quy trình văn bản đến, văn bản đi, sử dụng hiệu quả phần mềm quản lý văn bản và điều hành, hướng tới 100% văn bản đi (trừ văn bản mật) được xử lý, ký số, gửi, nhận, lưu trữ trên phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương phải gương mẫu, quyết liệt chỉ đạo, triển khai và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử, quản lý văn bản và điều hành, xử lý công việc và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Chữ ký số là xu hướng tất yếu, đã và đang được người dân, doanh nghiệp đón nhận. Đây là nền tảng, mắt xích quan trọng để Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, hình thành công dân số và xã hội số phát triển bền vững./.
(NEAC tổng hợp)